Abstract:
Gió trên Biển Đông khi vào vùng ven bờ Việt Nam bị ảnh hưởng của
yếu tố mặt đệm và địa hình đã bị biến tính cả về tốc độ và hướng gió
thịnh hành. Bài báo đã đánh giá sự biến động của gió theo không gian và
theo thời gian. Kết quả cho thấy, tốc độ gió có xu thế giảm dần từ ngoài
biển vào bờ, giảm dần từ phía bắc đến khu vực Đà Nẵng rồi tăng dần lên
khi vào phía nam, hướng gió trong vùng bờ bị phân tán mạnh. Vào mùa
gió mùa đông bắc, hướng gió thịnh hành khu vực Bắc Bộ là E (chiếm
38%), khu vực Bắc Trung Bộ là NW (13- 34%), Nam Trung Bộ là N
(18- 21%), Nam Bộ là E (39- 52%). Vào mùa gió mùa tây nam, hướng
gió thịnh hành khu vực Bắc Bộ là S (chiếm 32%), khu vực Bắc Trung Bộ
là S và E (38 và 11%), Nam Trung Bộ là W và SE (10 và 17%), Nam Bộ
là SW (43- 46%). Khu vực đảo Phú Quý có tốc độ gió lớn nhất (trung
bình từ 3.2 – 8.1 m/s), nhưng có sự biến động khá mạnh trong năm; khu
vực Đà Nẵng có tốc độ gió nhỏ, đồng thời có sự biến động mạnh. Các
khu vực Cô Tô, Hòn Dáu, Hòn Ngư, Cửa Tùng, Côn Đảo, Vũng Tàu
mặc dù tốc độ gió không lớn nhưng gió có sự ổn định cao.