Abstract:
Để xác định nguồn và dạng tồn tại của các kim loại nặng Fe, Mn, Zn và
Cu trong môi trường sông Cái (Nha Trang), các mẫu nước tầng mặt đã
được thu vào đợt khảo sát mùa khô (tháng 5/2010) và mùa mưa (tháng
10/2010) từ thượng nguồn đến khu vực cửa sông. Bên cạnh đó các mẫu
trầm tích cũng được thu vào đợt khảo sát mùa mưa. Kết quả phân tích
cho thấy trong nước sông Cái, sự biến động của nồng độ các kim loại
nặng theo mùa rất rõ rệt. Vào mùa mưa nồng độ kim loại nặng trong pha
hòa tan (HT) và lơ lửng (LL) cao gấp 1,18 đến 3,13 lần so với mùa khô.
Nồng độ Fe, Mn trong pha LL (Fe: 60,3%; Mn: 77,3%) cao hơn so với
pha HT (Fe: 39,7%, Mn: 22,7%), trong khi Zn, Cu không có sự khác biệt
lớn.Trong trầm tích, hàm lượng của các kim loại nặng thường tập trung
cao nhất tại khu vực cửa sông. Các kim loại nặng phát sinh từ hoạt động
con người trong lưu vực sông Cái không đáng kể so với các kim loại từ
tự nhiên, rõ rệt nhất là Fe và Mn.