Abstract:
Bài báo trình bày kết quả về hiện trạng rạn san hô tại 13 điểm khảo sát trong vịnh Nha Trang. Nhằm đánh giá xu thế biến động của các rạn san hô, 8 điểm giám sát cố định giai đoạn từ năm 2002 – 2007 và kết quả khảo sát năm 2015 được sử dụng để phân tích xu thế biến động và khả năng phục hồi đa dạng sinh học có thể có của các rạn san hô vịnh Nha Trang. Kết quả cho thấy, hiện trạng độ phủ trung bình của san hô sống ở vịnh Nha Trang đạt giá trị bậc 2, mật độ cá rạn trung bình đạt 122 ± 23SE con/100m2, động vật không xương sống kích thước lớn có mật độ trung bình 14 ± 4,3SE con/100m2. Độ phủ của san hô sống và cá rạn san hô có dấu hiệu tăng tại khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Một số vùng rạn ngoài khu vực bảo vệ nghiêm ngặt có xu thế giảm về độ phủ, một số rạn đã suy thoái hoặc có thể suy thoái trong thời gian tới và không còn khả năng phục hồi tự nhiên. Mật độ động vật không xương sống kích thước lớn thay đổi không theo qui luật tại các điểm giám sát theo thời gian và cầu gai đen (Diadema spp) là loài chiếm ưu thế trong nhóm động vật không xương sống. Hơn nữa không có dấu hiệu phục hồi của các nhóm sinh vật có giá trị kinh tế. Tính đa dạng sinh học tại một số điểm giám sát có dấu hiệu suy giảm do sự thay đổi của cấu trúc quần xã sinh vật rạn và sự biến mất một số loài sinh vật.