Abstract:
Kết quả khảo sát, phân tích các mẫu trầm tích bề mặt thu vào tháng 5 năm 2014 trong vịnh Vũng Rô cho thấy phân bố thành phần cơ học trầm tích tại các điểm khảo sát có kiểu trầm tích bùn và bùn sét chiếm ưu thế (độ hạt trung bình từ 0,063 - 0,004 mm chiếm tỷ lệ > 40%). Hàm lượng tổng các chất hữu cơ (TOM- total organic matter) tại các điểm khảo sát ít có sự thay đổi giữa các vùng với giá trị trung bình là 71,04 ± 7,52 mg/g (dao động từ 52,92 - 75,56 mg/g). Theo độ sâu của cột mẫu trầm tích, hàm lượng TOM, tổng carbon hữu cơ (TOC- total organic carbon) và tổng phốtpho tại vùng nuôi và ngoài vùng nuôi không có sự dao động giữa các lớp trầm tích trong khi hàm lượng tổng Nitơ có xu thế tăng dần từ lớp trầm tích phía dưới lên phía trên (từ 6 cm lên 0 cm) ở cả hai cột trầm tích.
Hàm lượng các kim loại nặng dao động không lớn giữa các điểm khảo sát và còn khá thấp: Cu từ 6,19 - 7,90 mg/kg; Pb từ 22,53 - 25,76 mg/kg; Zn từ 41,48 - 59,58 mg/kg; Cd từ 0,14 - 0,31 mg/kg và As từ 2,80 - 8,10 mg/kg. Kết quả về hydrocarbon dầu mỏ cũng cho thấy hàm lượng khá nhỏ tại hầu hết các điểm khảo sát với giá trị trung bình là 4,4 ± 1,7 mg/kg. Toàn bộ các điểm khảo sát có mật độ Vibrio spp. khá cao, trung bình là 132.249 ± 69.948 cfu/100g. Theo QCVN 43:2012/BTNMT, hàm lượng các kim loại nặng trong vịnh chưa vượt quá các giá trị giới hạn (GTGH).