Abstract:
Hình thái đường bờ khu vực vịnh Vân Phong có sự đan xen giữa những bờ đá, mũi đá và bãi cát, có thể phân biệt 4 dạng địa hình chính như sau: địa hình bờ đá gốc, bờ biển tích tụ, bờ biển mài mòn, xói lở và bờ biển tích tụ cổ, ngoài ra còn là nơi tập trung rất nhiều bậc thềm biển tích tụ.
Hình thái địa hình đáy biển khu vực vịnh Vân Phong có thể chia thành hai phần như sau: Phần trong vịnh Vân Phong (vụng Bến Gỏi) có độ sâu dưới 20m, địa hình đáy vịnh tương đối đơn giản, thoải đều theo các hướng Đông Bắc – Tây Nam và Tây Bắc – Đông Nam. Phần ngoài vịnh Vân Phong, có độ sâu 20 - 30m (trừ rìa Tây Nam), địa hình đáy vịnh bằng phẳng, nghiêng thoải từ Tây Nam lên Đông Bắc, từ Tây Bắc xuống Đông Nam ra phía cửa vịnh. Ngoài ra, khu vực vụng Cổ Cò – lạch Cửa Bé, thông trực tiếp với biển qua lạch Cửa Bé. Độ sâu lớn nhất trong vụng Cổ Cò là 34m, độ sâu trung bình 20 - 23m. Lạch Cửa Bé với độ sâu trung bình 30m, rộng trung bình 1,2km là luồng tàu tự nhiên rất lý tưởng cho các tàu ra vào khu vực vụng Cổ Cò. Phụ thuộc vào nguồn tiếp vật liệu bồi tích và các quá trình thủy thạch động lực trầm tích tầng mặt của đáy vịnh Vân Phong chủ yếu là các kiểu trầm tích từ cát trung – cát nhỏ đến bùn và bùn sét. Các kiểu trầm tích bùn và bùn sét chiếm ưu thế và có diện tích phân bố lớn nhất.