Abstract:
Bài báo trình bày kết quả khảo sát chất lượng môi trường khu vực biển ven bờ
vịnh Phan Thiết vào tháng 12/2008 (gió mùa đông bắc) và tháng 7/2009 (gió
mùa tây nam). Kết quả phân tích cho thấy môi trường nước có nồng độ oxy
hòa tan tương đối cao (luôn >5mg/l). Nồng độ vật lơ lửng, chlorophyll-a,
muối dinh dưỡng (ammonia, nitrite, nitrate, phosphate và silicate), chất hữu
cơ, Fe và nhất là mật độ coliform biến động trong phạm vi rộng và đôi khi
cao hơn các giá trị giới hạn (GTGH) đối với nước nuôi trồng thủy sản, bảo
tồn thủy sinh đặc biệt tại khu vực cửa sông. Nồng độ các kim loại nặng (Zn,
Cu, Pb, Hg, As) luôn thấp hơn các giới hạn cho phép (GHCP) nhiều trong
khi nồng độ hydrocarbon có xu thế ngược lại. Thuốc bảo vệ thực vật Clo hữu
cơ cũng có nồng độ rất thấp. Nhìn chung, nồng độ các muối dinh dưỡng, vật
lơ lửng, BOD5 và mật độ coliform thường cao hơn ở khu vực cửa sông Cái
và Cà Ty. Vào thời kỳ gió mùa tây nam nồng độ chlorophyll-a, muối dinh
dưỡng và đặc biệt là mật độ coliform cao hơn so với thời kỳ gió mùa đông
bắc.
Trong môi trường trầm tích, hàm lượng N và P không cao, hàm lượng các
kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thấp không gây ảnh hưởng
xấu cho đời sống thủy sinh. Tình trạng nhiễm bẩn coliform trong trầm tích
chỉ xảy ra ở khu vực cửa sông. Nhìn chung, trầm tích biển ven bờ được cấu
tạo chủ yếu bởi vật liệu cát.