Abstract:
Nghiên cứu về thành phần loài san hô tạo rạn thuộc vùng biển Phú Yên bước
đầu đã xác định được 148 loài thuộc 46 giống trong 12 họ san hô cứng.
Giống có số lượng loài cao nhất thuộc về Acropora (27 loài), Montipora (16
loài), tiếp theo là Porites (8 loài), Fungia (8 loài). Giá trị về độ phủ trung
bình của san hô cứng ở các điểm nghiên cứu dao động khá lớn từ 5,6% đến
41,4%, trung bình 18,7%. Tham gia thành phần san hô tạo rạn còn có 2 loài
thủy tức san hô và 1 loài san hô xanh. San hô mềm phân bố phổ biến trên các
rạn và đạt giá trị độ phủ trung bình 10%. Các vùng rạn phía bắc tỉnh chủ yếu
san hô cứng phân bố, chiếm độ phủ cao hơn trong khi các vùng rạn phía nam
thì san hô mềm lại ưu thế. Đặc điểm các quần xã san hô tương đối khác biệt
nhau giữa các khu vực và thậm chí giữa đới nông và sâu tại một khu vực. Vì
vậy, để bảo tồn tính toàn vẹn về đa dạng sinh học của vùng biển này cần phải
xây dựng các mô hình quản lý với qui mô nhỏ và phân cấp quản lý cho cộng
đồng và các doanh nghiệp đang và sẽ hưởng lợi từ tài nguyên rạn san hô.