Abstract:
Bài báo đã đánh giá hiện trạng, thách thức trong nuôi trồng thủy sản (NTTS)
vùng đầm Thị Nại bằng cách tiếp cận hệ thống, liên ngành, phân tích hiệu
quả kinh tế-xã hội và môi trường, sử dụng bộ chỉ số “Ngư trại bền vững”.
Kết quả cho thấy: có 10 lĩnh vực cùng khai thác tiềm năng của đầm trong đó
có nuôi trồng và khai thác thủy sản (KTTS), các hoạt động công nghiệp, du
lịch và phát triển đô thị. Tương ứng với các hoạt động này, có 12 cơ quan
ban ngành địa phương liên quan đến hoạt động NTTS của đầm.Tuy nhiên,
chưa có một tổ chức chuyên trách quản lý hoạt động vùng đầm Thị Nại. Năm
2008, tổng diện tích NTTS khu vực đầm là 1.393,7ha, tổng sản lượng đạt
1.158 tấn, năng suất bình quân 0,79 tấn/ha. Nhìn chung NTTS có hiệu quả
với mức lãi ròng năm 2008 đạt 10 - 100 triệu/hộ/năm, trong đó nhóm lãi 20 -
50 triệu/hộ/năm chiếm 37,77%. Mô hình nuôi ghép đạt hiệu quả và bền vững
hơn so với mô hình nuôi tôm chuyên canh.Tỷ lệ số hộ nuôi ghép có lãi đạt
93,5%, cao hơn đáng kể so với nuôi chuyên canh (58,3%). Tuy nhiên, đằng
sau hiệu quả đó còn bộc lộ nhiều vấn đề nảy sinh như ô nhiễm môi trường,
dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh và chỉ số ngư trại bền vững trong
NTTS (ASI) còn thấp (93% ao đìa nuôi nằm ở vùng 4 “kém bền vững”, 6,8%
ao đìa nằm ở vùng 3 “bền vững trung bình”). Từ thực trạng và thách thức đó
các nhóm giải pháp nhằm phát triển NTTS vùng đầm Thị Nại theo hướng
hiệu quả và bền vững đã được đề xuất.