Abstract:
Áp suất thẩm thấu máu và hàm lượng nước trong cơ của Tôm Gân (Penaeus latisulcatus) được xác định khi nuôi ở độ mặn 10, 22, 34 và 46‰ sau 60 ngày và khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu của tôm nuôi ở các nồng độ mặn 10, 22, 34 và 46‰ được xác định khi đưa ra ngoài không khí 7, 14 và 21 phút. Áp suất thẩm thấu của máu tăng khi tăng độ mặn môi trường nuôi và trọng lượng của tôm. Điểm trung hòa áp suất thẩm thấu được tính từ mối tương quan giữa áp suất thẩm thấu máu và áp suất thẩm thấu của môi trường của Tôm Gân là 28,87, 29,46 và 31,73‰ tại thời điểm nuôi 0, 20 và 60 ngày nuôi, ứng với trọng lượng cơ thể là 2,95 ± 0,26; 4,02 ± 0,47 và 5,79 ± 0,64 g. Lượng nước trong cơ giảm khi độ mặn môi trường nuôi tăng. Khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu của tôm nuôi ở độ mặn 10‰ giảm sau 14 phút đưa ra ngoài không khí. Kết quả nghiên cứu trên chỉ ra rằng tôm dùng ít năng lượng để điều hòa áp suất thẩm thấu khi nuôi ở độ mặn 22 và 34‰ hơn khi nuôi ở các độ mặn khác. Kết quả cho thấy loại tôm này nên được nuôi ở độ mặn từ 22 đến 34%o.