Abstract:
Bài báo tập trung giới thiệu kết quả nghiên cứu một số đặc trưng chủ yếu
phục vụ quy hoạch phát triển nuôi biển như: Không gian mặt bằng để xây
dựng các công trình nuôi, đặc điểm khí hậu, khí tượng, thủy văn, động lực,
đặc trưng chất lượng môi trường và sức tải của vực nuớc ven bờ. Diện tích tối
ưu để phát triển nuôi biển tăng sản nằm trong độ sâu 6-20-25 m với nền dày
bùn cát – cát bùn là 9.460 ha. Hiện nay mới khai thác nuôi khoảng 780 ha,
chiếm 8,2% diện tích tối ưu, chưa đến 0,5% tổng diện tích phù hợp nuôi biển.
Tốc độ gió vùng biển ven bờ thường dao động trong khoảng 0,6-9,0 m/s. Độ
cao sóng phổ biến dao động trong khoảng 0,3 - 0,4 đến 0,9 m, nằm trong giới
hạn an toàn của các công trình nuôi hiện nay. Dòng chảy có tốc độ lớn nhất
là 29 - 52 cm/s, còn thường có tốc độ nhỏ hơn 10 cm/s., thỏa mãn giới hạn
động lực để phát triển nuôi biển. Thời gian trao đổi nước của các vịnh ven bờ
dao động trong khoảng 6-12 ngày.
Chất lượng môi trường vùng biển ven bờ Khánh Hòa đã có những biểu hiện
của quá trình ô nhiễm mang tính địa phương. Đặc biệt là chất lượng môi
trường trầm tích ở những vùng phát triển nuôi trồng hải sản, những khu tập
trung dân cư và phát triển công nghiêp. Chỉ số “Độc tố” trung bình của môi
trường nước dao động trong khoảng 0 đến 49,2%, giá trị cực đại đo được là
54,5, còn trong môi trường trầm tích - giá trị trung bình dao dộng trong
khoảng 21,9 đến 67,5%, giá trị cực đại - 97,0%.
Tổng khả năng chịu tải của các vực nước ven bờ dao động trong khoảng 3,13
-12,71 tấn Nitơ/ngày. Khả năng đồng hoá hữu cơ có giá trị 0,01 –0,42 tấn
BOD/ngày. Áp lực tải của vùng ven bờ Khánh Hòa hiện nay đã đạt tới 35 –
55% giới hạn chịu tải của vực nước, mặc dầu nuôi biển chưa phát triển. Điều
đó bắt buộc phải thay đổi phương thức canh tác, nuôi biển và các chính sách
quản lý phát triển.