Abstract:
Tam Giang - Cầu Hai có quan hệ chặt chẽ với đời sống của gần một triệu dân
tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hệ thường được thông nối với biển qua hai cửa. Tuy
nhiên, trong quá trình tiến hóa tự nhiên, hệ đầm phá còn trải qua các tình
thế chỉ có một cửa hoặc có nhiều cửa và các tình thế này được xem như là
các tai biến ven bờ. Nằm ở vùng lượng mưa trung bình năm 3000 mm, cao
nhất Việt Nam, việc đóng cửa đầm phá đã góp phần đáng kể vào hình thành
các trận lũ lớn ven bờ. Trong 50 năm qua, 6 trong số 7 trận lũ lớn nhất
trùng vào các thời kỳ lấp cửa Tư Hiện. Lũ ngập đã gây ra những hậu quả
nặng nề làm thiệt hại người và gia súc, nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, mùa
màng, phá huỷ cơ sở hạ tầng và gây ô nhiễm. Lũ ngập còn gây ngọt hoá vực
nước đầm phá, làm suy thoái hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học. Việc
quản lý biến động cửa cần được xem như là một vấn đề ưu tiên đối với quản
lý đàm phá. Tài liệu viễn thám cần có một vai trò quan trọng đối với giám
sát, phát hiện biến động cửa nhằm mục đích dự báo ngập lụt ven khu vực
ven bờ đầm phá.