Abstract:
Biển Đông, bao gồm biển Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi quan
trọng dưới tác động của cả tự nhiên và con người. Đó là các tác động của
biến đổi khí hậu (BĐKH) và biến đổi đại dương (BĐĐD) với các biểu hiện
“cực đoan” như gia tăng bão biển, lũ lụt vùng ven biển, nước biển dâng, axit
hóa nước biển, ô nhiễm và các sự cố môi trường,… xảy ra dày hơn, khốc liệt
hơn và bất quy luật. Đặc biệt là sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường
và đa dạng sinh học (ĐDSH) biển, gia tăng các sự cố môi trường, trong đó có
các vụ tràn dầu,… do tác động của con người. Nhất là sự phá hủy quy mô
lớn các rạn san hô, thảm cỏ biển ở các cụm đảo ngoài khơi Biển Đông đã và
đang xảy ra với tốc độ đáng lo ngại. Các hoạt động khai thác hải sản mang
tính hủy diệt của con người trong Biển Đông đã gây ra suy thoái hệ sinh thái
(HST) và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài, như: rùa biển, một vài loài cá
mập và các giống cá khác, đặc biệt là loài trai tai tượng. Hệ lụy là nguồn vốn
tự nhiên biển giảm, dẫn tới các “nhiễu loạn sinh thái” kéo dài; trữ lượng hải
sản vùng biển Trường Sa (của Việt Nam) và phía tây Biển Đông giảm
khoảng 16% so với trước năm 2010. Vì thế, việc cải thiện chất lượng môi
trường biển, bao gồm bảo tồn ĐDSH và các HST biển chính là bảo toàn vốn
thiên nhiên biển (marine natural asset), góp phần thực hiện chiến lược và kế
hoạch hành động về tăng trưởng xanh của Việt Nam. Đây là con đường Việt
Nam đã chọn để vừa tăng trưởng kinh tế biển, vừa thích ứng với BĐKH, lại
vừa bảo vệ được môi trường cả trong ngắn hạn và dài hạn, hướng tới phát
triển bền vững (PTBV).