Abstract:
Thực vật phù du là đối tượng ít được nghiên cứu ở vùng biển ven bờ Đà Nẵng, nhất là những đặc trưng về thành phần loài và cấu trúc quần xã. Trong bài báo này, chúng tôi phân tích số liệu về đa dạng loài và sự phong phú của thực vật phù du thu thập được trong các chuyến khảo sát từ năm 2002 đến năm 2016 ở 44 trạm trong vùng biển ven bờ Đà Nẵng. Kết quả phân tích đã xác định được 316 loài và dưới loài thuộc 9 lớp tảo khác nhau. Trong các loài thực vật phù du ghi nhận được, có 36 loài tảo có khả năng gây hại, trong đó mật độ của Pseudo-nitzschia spp. cao hơn tại một số khu vực trong thời kỳ gió mùa Đông Bắc. Phân tích các chỉ số theo từng khu vực, có thể thấy chỉsố giàu có loài Margalef và chỉ số đa dạng Shannon khác nhau đáng kể giữa các khu vực, thấp ở cửa sông trong vịnh Đà Nẵng và cao ở nam bán đảo Sơn Trà. Trong khi các chỉ số cân bằng Pielou và đa dạng Simpson lại không khác biệt giữa các khu vực. Tuy nhiên, sự đa dạng và độ giàu có loài lại có sự khác biệt giữa các năm 2004, 2005 và 2016, chủ yếu ở nam bán đảo Sơn Trà, đông bắc bán đảo
Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng. Phân tích độ giàu có loài cho thấy hầu hết các khu vực đều chỉ ghi nhận được từ 56% đến 95% số loài mong đợi. Phân tích cấu trúc quần xã thực vật phù du thu thể hiện sự biến động giữa các năm nghiên cứu với mức độ tương đồng trong năm xấp xỉ 50%. So sánh trung
bình mật độ thực vật phù du thu của từng khu vực cho thấy mật độ vào năm 2005 cao hơn hẳn so với các năm khác ở vịnh Đà Nẵng và đông bắc Sơn Trà. Các phân tích về độ giàu có loài, loài mong đợi và biến động mật độ thực vật phù du thu cho thấy dù vùng biển nghiên cứu được ghi nhận thành phần loài thực vật phù du thu cao, nhưng số lượng trạm và thời gian thu mẫu ở vùng biển Đà nẵng nhất là khu vực cửa sông cần được thu thập nhiều hơn, vẫn cần thu thập thêm vật mẫu ở tất cả các khu vực, nhất là vùng cửa sông trong vịnh Đà Nẵng và đông bắc bán đảo Sơn Trà.