Abstract:
Mô hình quản lý rạn san hô vì mục đích du lịch sinh thái được thực hiện với sự tham gia của Viện Hải dương học, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa và 3 doanh nghiệp bao gồm Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào, Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang và Công ty Du lịch Trí Nguyên. Hiệu quả sau 3 năm quản lý được đánh giá thông quan phân tích xu thế biến động về độ phủ san hô, mật độ cá rạn và sinh vật đáy kích thước lớn. Sự ổn định độ phủ san hô ở khu vực Sau Sao - Vinpearl và Bãi Sạn - Hòn Miếu chứng tỏ san hô không bị suy thoái. Trong khi đó, độ
phủ san hô ở Nam Hòn Tằm tăng rõ rệt trong giai đoạn 2015–2017 nhưng giảm đột ngột vào năm 2018 do bão số 12 diễn ra vào tháng 11/2017. Tổng mật độ cá rạn biến động không rõ rệt với ưu thế là nhóm cá có kích thước nhỏ hơn 10 cm, trong khi nhóm cá có kích thước lớn suy giảm đáng kể về mật độ. Mật độ động vật đáy kích thước lớn rất thấp và chủ yếu thuộc về các nhóm không có giá trị
kinh tế. Phân tích này chứng tỏ rằng hoạt động quản lý đã ngăn chặn được tác động của con người gây suy thoái san hô nhưng chưa có hiệu quả với hoạt động khai thác nguồn lợi quá mức.