Abstract:
Năm 2009 đê chắn sóng tại cửa Tam Quan được hoàn thành, khu vực này bị bồi một cách nhanh chóng, đặc biệt là vào mùa mưa (trùng hợp với gió mùa Đông Bắc). Các quá trình thủy thạch động lực và xói lở, bồi tụ tại cửa Tam Quan thay đổi theo mùa rõ rệt. Vào mùa mưa (từ tháng 9 tới tháng 12): Gió thịnh hành theo hướng đông bắc (NE), bắc - đông bắc (NNE), bắc (N) và tây bắc (NW). Hầu hết tốc độ gió tập trung từ cấp 2 đến cấp 5. Sóng hình thành bởi gió NE, N có ảnh hưởng lớn nhất đến khu vực cửa Tam Quan. Khi truyền vào trong luồng dẫn sóng giảm nhanh chóng và có xu thế đẩy vật liệu từ ngoài biển vào, gây nên quá trình bồi - xói xen kẽ ở khu vực cửa và trong luồng dẫn. Dòng chảy có xu thế làm vật liệu đáy di chuyển từ sông ra biển gây ra sự bồi, xói xen kẽ ở khu vực luồng dẫn. Phía ngoài cửa vật liệu được bồi trên một khu vực có dạng vòng cung xung quanh cửa. Vào mùa khô (từ tháng 1 tới tháng 8): Hướng gió chủ đạo là đông nam (SE), nam - đông nam (SSE) và nam (S) với tốc độ gió khá nhỏ, từ cấp 2 đến cấp 4. Gió hướng đông (E) có tần suất nhỏ nhưng tạo ra sóng gây tác động trực tiếp tới khu vực nghiên cứu. Độ cao sóng giảm nhanh khi truyền vào trong luồng dẫn. Tác động của sóng do gió SE có xu thế đẩy vật liệu đáy từ ngoài biển và khu vực mũi nhô Trường Xuân vào lắng đọng ở khu vực cửa. Dòng chảy sóng hình thành bên bờ bắc làm vật liệu di chuyển vào khu vực trung tâm luồng làm nông hóa khu vực này. Dòng chảy chỉ làm vật liệu đáy di chuyển vào thời điểm triều rút mạnh và lắng đọng trên một khu vực rộng, đều ở cửa nhưng với cường độ không đáng kể. Kết quả tính toán những thay đổi địa hình đáy từ 15/12/2014 đến 20/5/2015 khá phù hợp với kết quả đo đạc. Đây chính là cơ sở để đưa ra các giải pháp ổn định luồng dẫn lâu dài.