Abstract:
Nghiên cứu được tiến hành tại 3 khu vực đặc trưng cho sự thay đổi về phông (gradient) độ mặn tầng đáy, từ rất thấp (Thanh Hà) đến trung bình (Cẩm Nam) và cao (Cẩm Thanh) vào 2 đợt đại diện cho mùa mưa (tháng 12/2015) và mùa khô (tháng 6/2016) tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Tại mỗi khu vực, tiến hành thu mẫu khai thác của nghề lờ (lồng) và đo các yếu tố môi trường cơ bản (pH, nhiệt độ, độ mặn, độ oxy hòa tan) và sinh cư (độ phủ của rong-cỏ nước ngọt, dừa nước-cỏ biển, bùn-cát và cát-bùn) tại 3 trạm đại diện, đồng kết hợp thu mẫu tại các điểm lên cá. Kết quả khảo sát đã ghi nhận được 14 loài thuộc 8 giống của 2 họ cá bống trắng Gobiidae (8 loài) và cá bống đen Eleotridae (6 loài) trong đó khu vực Cẩm Thanh có số lượng loài nhiều nhất (12 loài) so với Thanh Hà (10 loài) và Cẩm Nam (6 loài). Nhìn chung, số lượng loài cá bống ghi nhận được trong mùa mưa cao hơn so với mùa khô tại cả 3 khu vực khảo sát. Kết quả phân tích mối tương quan giữa thành phần loài và độ phong phú của cá bống với các yếu tố môi trường và sinh cư cho thấy sự phân bố của quần xã cá bống chịu sự chi phối của pH, độ mặn, oxy hòa tan và độ phủ của rong-cỏ nước ngọt.