Abstract:
Thực hiện 3 chuyến khảo sát thu mẫu thành phần loài cá vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2014 tại 7 điểm thu mẫu. Kết quả đã ghi nhận được 178 loài thuộc 13 bộ, 68 họ và 125 giống. Phân tích cấu trúc quần xã khu hệ cá cho thấy: Bộ cá vược Perciformes là bộ cá phổ biến nhất chiếm 71,9%; tiếp đến là bộ cá nóc 8,4%; bộ cá bơn 5,6%; các bộ còn lại mỗi bộ có số loài, giống và họ rất ít. Các họ chiếm ưu thế về loài: Họ cá mú (Serranidae) 14 loài chiếm 7,9% tổng số loài; cá khế (Carangidae) 12 loài (6,7%); cá hồng (Lutjanidae), cá bống trắng (Gobiidae) 9 loài (5,1%); cá thu ngừ (Scombridae) 7 loài (3,9%); cá bơn sọc (Solidae) 6 loài (3,4%); cá sạo (Haemulidae), cá phèn (Mullidae), cá nóc (Tetraodontidae) 5 loài (2,8%);... So sánh với 6 khu hệ cá cửa sông vùng biển ven bờ của Việt Nam (Thái Bình, Sơn Trà, Quảng Nam, Nha Phu-Bình Cang, Bến Tre và Trà Vinh) ghi nhận, vùng ven biển cửa sông Trà Vinh và Bến Tre có mức tương đồng cao nhất 80%; tiếp đến là Quảng Ngãi và Nha Phu-Bình Cang 39%; Quảng Ngãi và Quảng Nam 42%; Quảng Nam và Nha Phu-Bình Cang 41%; Thái Bình và Bến Tre 37%; Quảng Nam và Sơn Trà 38%; Quảng Ngãi và Sơn Trà 36%. Phân tích nhóm cho thấy thành phần loài thuộc 7 khu hệ cá hình thành nên 2 nhóm: Nhóm 1: Trà Vinh, Bến Tre và Thái Bình; nhóm 2: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nha Phu-Bình Cang và Sơn Trà. Độ giàu có về loài của Quảng Ngãi đạt (34,2), Trà Vinh cao nhất (38,2), tiếp đến Thái Bình (38,0), Quảng Nam (37,9), Nha Phu-Bình Cang (35,1), Sơn Trà (30,9), Bến Tre (29,4). Tính đa đạng về thành phần loài cá theo các bậc taxon trên từng vùng thể hiện tính đặc trưng riêng cho từng khu hệ.