Abstract:
Sử dụng phương pháp phân tích đa biến để đánh giá tác động của sự biến đổi của các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng oxy hòa tan, tổng chất lơ lửng, nitric tổng số, nitrat tổng số, a-môn tổng số, phốt phát tổng số, silicat tổng số, hàm lượng chlorophyll và hiện tượng tảo nở hoa đến nguồn giống tự nhiên của cá ở vùng biển Bình Thuận. Kết quả cho thấy có sự tương quan của sự biến động các yếu tố môi trường theo thời gian, không gian với thành phần cá bột và cá con. Tại các khu vực và thời điểm có hiện tượng tảo nở hoa xảy ra; cá bột và cá con giảm độ phong phú và đa dạng. Có 5 yếu tố môi trường là nhiệt độ, độ mặn, nitrit tổng số (NO2-N), phốt phát tổng số (PO4-P) và silicat tổng số (SiO3-Si) tác động lên thành phần cá bột, cá con có ý nghĩa thống kê, các yếu tố còn lại ảnh hưởng yếu hơn và không có ý nghĩa thống kê. Vào các tháng có tảo nở hoa, các yếu tố phốt phát tổng số (PO4P),silicat tổng số (SiO3-Si), a-môn tổng số (NH3-4), nitrit tổng số (NO2-N), nitrat tổng số (NO3-N) và độ mặn (S) có vai trò quan trọng, trong khi đó nhiệt độ (T) có tác động chủ yếu vào các tháng không có tảo nở hoa. Sự bùng phát sinh khối tảo gây nên hiện tượng tảo nở hoa đã gây chết cá bột và cá con, dẫn đến sự suy giảm mức phong phú và đa dạng của nguồn giống cá tự nhiên ở vùng biển này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình bổ sung và phục hồi nguồn lợi cá trong khu vực.