Abstract:
Tỉnh Bình Thuận nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với điều kiện thuận lợi cho các rạn san hô sinh sống. Các nghiên cứu về rạn san hô nơi đây tập trung chủ yếu ở khu vực ven bờ và đảo Phú Quý, các khu vực bãi cạn và xung quanh các đảo đá ở ngoài khơi chưa có điều kiện để khảo sát. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá được thành phần và phân bố của quần xã cá rạn san hô trong bãi ngầm Royal Bishop và quanh các đảo đá tại bãi cạn Julia ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Thuận vào tháng 4/2019. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 151 loài thuộc 86 giống và 33 họ cá rạn san hô. Trong đó có 4 loài lần đầu tiên ghi nhận cho Việt Nam là các loài Helcogramma striata Hansen, 1986 (Tripterygiidae), Pseudanthias squamipinnis (Peters, 1855) (Serranidae), Bodianus bilunulatus (Lacepède, 1801) và Coris aygula Lacepède, 1801 (Labridae). Mật độ trung bình tổng số của cá rạn san hô tại vùng biển ngoài khơi Bình Thuận là khá cao 1.104,9±617 cá thể/250m2,trong đó đa số là nhóm cá có kích thước nhỏ và nhóm cá cảnh, nhóm cá kích thước lớn và cá thực phẩm chiếm tỉ lệ khá thấp tuy nhiên so với vùng ven bờ tỉnh Bình Thuận thì mật độ của chúng tại đây lại cao hơn nhiều. Các phân tích so sánh cũng cho thấy các trạm khu vực rạn san hô ven đảo đá có độ giàu có về loài và mật độ cá rạn san hô cao hơn so với khu vực rạn ngầm.